Tin tức

Quy định về đi lại, vận chuyển hàng hóa

1378

Đến thời điểm này, việc kiểm soát đi lại của người dân ở các tỉnh miền Trung vẫn mỗi nơi một kiểu. Trong khi một số nơi như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi hay các tỉnh ở Tây Nguyên… chỉ cần vài thủ tục đơn giản để ra-vào thì vẫn còn một số địa phương còn duy trì những quy định riêng gây khó khăn cho người dân.

1. Những “vùng cấm”, quy định riêng

Một số địa phương như Thừa Thiên - Huế, thời điểm này vẫn còn áp dụng quy định từ ngày 23.9: Đối với người đi từ vùng dịch về đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19, người khỏi bệnh COVID-19 thì sẽ cách ly tập trung tối thiểu 7 ngày kể từ ngày về địa phương, đồng thời sẽ được xét nghiệm PCR 3 lần (ngày thứ 1, ngày thứ 3 kể từ lúc vào khu cách ly và ngày thứ 7 kể từ ngày về địa phương). Với những quy định như “pháo đài” này của Thừa Thiên - Huế, mọi người dân và phương tiện gần như không thể ra vào được địa phương này - nếu không chấp nhận bị cách ly và trả phí.

Thậm chí có nhiều trường hợp ở chốt kiểm soát dịch còn hành xử kiểu tréo ngoe như với chị Đoàn Phú Yên, một chủ doanh nghiệp xuất hàng thuỷ sản sống ở thành phố Đà Nẵng, có kho hàng ở cảng Thuận An, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Ngày 8.10, chị Yên đi ôtô cá nhân từ Đà Nẵng ra Huế với mục đích kiểm tra hàng trước khi xuất. Đến chốt kiểm soát dịch Lăng Cô, ở bàn khai báo đầu tiên, sau khi thực hiện đầy đủ các thủ tục, điện thoại của chị nhận được tin nhắn xác nhận: “Thông báo: Bạn đã được phê duyệt vào Huế ngày 8.10.2021…”. Tuy nhiên đến bàn khai báo tiếp theo, chị Yên sau khi trả lời một loạt câu hỏi đã nhận được phản hồi là “muốn vào Huế theo dạng công vụ thì phải có giấy xác nhận, cho phép của lãnh đạo tỉnh”.

Chị Yên bức xúc: “Thà ngay từ bàn khai báo đầu tiên nói không dõng dạc để tôi khỏi mất thời gian và hy vọng. Làm vậy khác gì trêu đùa chúng tôi”.

Ngày 10.10, PV Lao Động đã liên lạc với ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế về trường hợp của chị Đoàn Phú Yên, ông Phương đề nghị phóng viên cung cấp thông tin cụ thể và hứa sẽ kiểm tra lại trên hệ thống để có câu trả lời thoả đáng.

Tại Khánh Hòa, ông Nguyễn Văn Dần - Giám đốc Sở GTVT cho biết, đã có công văn gửi Sở GTVT các tỉnh thành nêu rõ quy định về việc đi lại đến Cam Ranh, Khánh Hòa, các đơn vị này được phép hoạt động vận chuyển khách đảm bảo chở tối đa không quá 50% sức chứa, ngồi xen kẽ nhau, ngồi cách hàng ghế và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch; ghi chép đầy đủ thông tin hành khách, hành trình, điểm đi, điểm đến và lưu trữ theo quy định. Mỗi xe 1 lái xe cố định không thay đổi trong quá trình khai thác vận chuyển, nếu điều chỉnh phải thông báo Sở GTVT xem xét quyết định; chủ doanh nghiệp chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc triển khai, áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

Nhiêu khê đi lại, nên hiện mới có 4 đơn vị kinh doanh vận tải với 54 phương tiện được cấp phép hoạt động trong thời gian kể trên tại Khánh Hòa.

2. Tây Nguyên dẹp hết giấy phép con

Sau khi có quy định của Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo lưu thông, khắp 5 tỉnh trong vùng  Tây Nguyên đã dẹp hết mọi giấy phép con. Chốt kiểm soát Cai Chanh, ở huyện Đắk R’lấp nằm trên Quốc lộ 14 (đường Hồ Chí Minh) là cửa ngõ ra vào địa bàn Tây Nguyên kết nối với các tỉnh, thành khu vực phía Nam đã được mở toang.

Tại Đắk Lắk, trên tuyến Quốc lộ 14 huyết mạch (nối Gia Lai) và 26 (tiếp giáp Khánh Hoà) đã “thông thoáng” trở lại, các chốt kiểm soát không còn xuất hiện với tần suất dày đặc như cách đây 2 tuần. Cánh tài xế khi vào địa phận tỉnh chỉ cần làm các thủ tục cần thiết, đơn giản để tiếp tục hành trình. Cư dân sinh sống trên các tuyến đường này đã bắt đầu bán buôn, đón khách, từng bước khôi phục cảnh sầm uất như thời điểm dịch bệnh chưa bùng phát. 

Gia Lai và Kon Tum là 2 “pháo đài” nghiêm ngặt nhất việc lưu thông đi lại thì đến nay cũng đã tạo thuận lợi cho người dân và phương tiện vận chuyển hàng hóa. 

Theo ghi nhận, tại chốt kiểm soát cầu 110, huyện Chư Pưh và chốt đèo An Khê (Gia Lai), các tài xế xe tải xếp hàng làm thủ tục qua chốt khá nhanh, thuận lợi.

Nguồn: laodong.vn